NGÀNH GIÁO DỤC HUYỆN PHÚ TÂN – TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH THÔNG QUA BỘ SÁCH “BÁC HỒ VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỀ ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG DÀNH CHO HỌC SINH”
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh được ngành Giáo dục xác định trở thành nhiệm vụ quan trọng,
thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Ðảng, của mỗi cán bộ, đảng
viên trong toàn ngành và phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của
ngành trong từng năm học. Đối với giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã
chỉ đạo các nhà trường học sử dụng Bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức
và lối sống dành cho học sinh” trong nhà trường làm tài liệu giảng dạy từ khối
lớp 2 đến 12 kể từ năm học 2016-2017.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng
của ngành Giáo dục.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng,
ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”-Trong đó yêu
cầu: “Tiếp tục chỉ đạo biên soạn chương
trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy
trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với
yêu cầu giáo dục, đào tạo. Đối với học sinh phổ thông, dạy nghề, trung học
chuyên nghiệp, học tập về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giáo dục công
dân, đạo đức nghề nghiệp” .
Quán triệt sâu sắc yêu cầu của Bộ Chính trị, ngày 27/02/2017, Ban Cán
sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Nghị quyết số 69-NQ/BCSĐ về thực
hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh”, theo đó, chỉ đạo việc “rà soát, biên soạn giáo trình, tài liệu về tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh để tổ chức triển khai trong các cơ sở giáo dục và đào tạo”,
tổ chức biên soạn “Tài liệu hướng dẫn
tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh” trên tinh thần kế thừa Chỉ thị số 03-CT/TW trước đó, vừa bổ sung cập
nhật các vấn đề mới của Chỉ thị số 05-CT/TW, để dạy học chính thức trong chương
trình đối với các môn học và hoạt động giáo dục ở cấp trung học cơ sở như: Ngữ
văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Hoạt động ngoài giờ lên
lớp; cấp Trung học phổ thông đối với môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân,
Hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất
bản Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo
đức, lối sống dành cho học sinh”. Bộ tài liệu được thẩm định để vào sử
dụng trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Sau quá trình thẩm
định, ngày 21/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số
4634/BGDĐT-GDTrH về việc sử dụng Bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo
đức và lối sống dành cho học sinh” trong nhà trường làm tài liệu giảng dạy từ
khối lớp 2 đến 12 kể từ năm học 2016-2017.
Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau đã ban hành Công văn số 2897/SGDĐT-CTTT
ngày 06/10/2016 về việc triển khai hướng dẫn giảng dạy theo tài liệu “Bác
Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” năm học
2017-2018. Công văn số 2376/SGDĐT-GDPT ngày 01/9/2017 về việc triển khai hướng
dẫn giảng dạy theo tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối
sống dành cho học sinh” năm học 2017-2018.
Phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đến các trường
học trên địa bàn huyện tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị xây dựng kế hoạch
đưa vào giảng dạy Bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống
dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12 trong các trường phổ thông theo
hướng tích hợp trong môn Đạo đức, Giáo
dục công dân, các môn học có liên quan và trong các hoạt động giáo dục ngoài
giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động Đoàn, Đội… phù hợp với từng cấp
học, bậc học, tâm lý lứa tuổi của học sinh, đảm bảo nội dung giáo dục tự nhiên, nhẹ nhàng, tránh gây nặng nề; giáo
dục cho học sinh những hiểu biết cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; góp phần tạo nên sự
gắn bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống và phù hợp với mục tiêu chung
của giáo dục.
Bộ sách “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho học sinh”- là
công cụ quan trọng, cần thiết trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối
sống cho học sinh.
Bộ sách: “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho học sinh”
do PGS.TS Nguyễn Văn Tùng làm chủ biên và nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị
Phương Hoa, ThS. Đoàn Thị Thúy Hạnh, ThS.Võ Thanh Hà do Nhà xuất bản Giáo dục
Việt Nam xuất bản. Bộ sách được biên soạn dựa trên mục tiêu thông qua những mẫu
chuyện đặc sắc từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo
dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông. Đây là bộ sách
quý giá, tập hợp được gần 100 câu chuyện về Bác Hồ vĩ đại, đạt tiêu chuẩn một
tài liệu giáo dục trong trường phổ thông, với nội dung phong phú, tình tiết
sinh động, bộ sách gây cảm phục và hấp dẫn đối với học sinh các thế hệ. Hệ thống chủ đề,
chủ điểm của Bộ sách dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 này được xây dựng
phù hợp với chương trình giáo dục công dân hiện hành, có tác dụng bổ trợ các
nội dung về đạo đức, lối sống mà học sinh đang được học.
Điểm đặc sắc, độc đáo của
Bộ sách này là được xây dựng theo từng khối lớp, phù hợp với từng độ tuổi học
sinh. Những câu chuyện được kể ra một cách tự nhiên với cách hành văn dung dị
nhưng đầy sức lôi cuốn, hấp dẫn, thấm nhuần một cách hết sức tự nhiên, gần gũi,
dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo; hướng đến mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống,
giúp phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh thông qua việc tổ chức các
hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm với nhiều hình thức đa dạng như thảo luận, vẽ
tranh, sắm vai, trò chơi,… Vì thế, trình tự hoạt động của học sinh qua mỗi bài
là đi từ nhận thức về giá trị đạo đức, lối sống của Bác đến thực hành và ứng
dụng các giá trị đó vào cuộc sống, vào bản thân học sinh. Ngoài ra, thông qua
đó còn tích hợp rèn luyện kĩ năng đọc hiểu, viết, phát triển năng lực giao tiếp
và năng lực thẩm mỹ cho học sinh.
Bộ sách
“Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” được đưa vào
dạy trong các trường học từ năm học 2017-2018 (Nguồn Internet)
Những cuốn sách
về Bác Hồ dùng trong chương trình giáo dục phổ thông từ trước cũng đã có nhiều.
Tuy nhiên, việc đưa bộ sách theo hệ thống từ lớp 2 đến lớp 12, mỗi lớp có một
cuốn, mỗi cuốn có 9 bài, tương ứng với mỗi tháng của năm học là điều rất ý
nghĩa. Đây là lần đầu tiên có một bộ tài liệu chính thức về Bác Hồ mà dạy theo
từng lớp, từng bài học; có thể xây dựng kế hoạch giảng dạy theo từng tháng. Bộ
tài liệu được NXB biên soạn theo đề cương đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, chú ý
đến sự phát triển dung lượng, độ khó để phù hợp với trình độ, vốn sống, vốn
kiến thức, tâm lý của học sinh, giúp các em, với sự hướng dẫn của các thầy cô
giáo đạt được kết quả cao nhất. Việc tổ chức bản thảo được tổ chức theo quy
trình nghiêm ngặt, chặt chẽ, thực hiện cẩn trọng qua nhiều khâu biên tập, thẩm
định, phản biện, chỉnh sửa để có chất lượng tốt nhất về nội dung cũng như hình
thức. Đây là Bộ sách dành cho
học sinh, đồng thời là tài liệu gợi ý về nội dung và phương pháp cho giáo viên
để tổ chức các giờ dạy học. Tùy điều kiện từng trường, từng vùng miền, tùy đối
tượng học sinh, giáo viên tổ chức giờ học sao cho hợp lí, vừa sức, đạt hiệu quả
giáo dục tốt nhất.
Việc đưa nội dung chương trình
giảng dạy về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với học sinh là
nhiệm vụ quan trọng và vô cùng cần thiết, nhất là khi chúng ta đang thực hiện
đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung
ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời đáp
ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác học sinh, sinh viên tại các
trường học.
Giá trị tích cực của Bộ sách “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho học sinh” sau 10
năm đưa vào dạy trong các trường học.
Qua gần 10 năm đưa Bộ sách “Bác Hồ với những bài học về đạo
đức, lối sống dành cho học sinh” vào giảng dạy trong
nhà trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, 100% các trường tiểu học,
trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã triển khai tích hợp Bộ sách vào các môn
học, cấp học cụ thể; thực hiện tích hợp vào hơn 15.000 tiết học; việc đưa Bộ
sách vào dạy học đã trở thành một hoạt động được duy trì thường
xuyên, có nền nếp, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành
nhân cách cho học sinh, góp phần tích cực thúc đẩy động cơ phấn đấu, rèn luyện,
tu dưỡng đạo đức của các em. Để
sử dụng và phát huy hiệu quả của Bộ sách, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch
đưa vào giảng dạy theo hướng tích hợp trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân
(GDCD), các môn học có liên quan và trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các
buổi sinh hoạt lớp, hoạt động Đoàn, Đội… đảm bảo nội dung giáo dục tự nhiên,
nhẹ nhàng, tránh gây nặng nề; giáo dục cho học sinh những hiểu biết cơ bản về
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học
sinh; tạo sự gắn bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống.


Học sinh
trường THCS Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân tham gia hoạt động tích hợp giáo dục đạo đức Hồ Chí
Minh (Nguồn Trường THCS Tân Hưng Tây)
Nhìn chung, Bộ sách nhận được sự đồng thuận cao từ phía giáo
viên, học sinh và phụ huynh học sinh; phần lớn học sinh tham gia rất hào
hứng, đạt được kết quả tốt. Qua đó, học sinh không chỉ học được trang bị những hiểu biết cần
thiết, cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trên cơ sở đó giúp
học sinh có được nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn theo tấm gương tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Giáo dục ý thức học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạo đức Hồ Chí Minh; dần làm cho việc
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành thói
quen tự giác và nếp sống hằng ngày của học sinh; phát triển kĩ năng thực hành,
kĩ năng phát hiện và ứng xử tích cực trong việc học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh.
Những kết quả
trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hình thành
nhân cách cho học sinh và thúc đẩy động cơ phần đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo
đức cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh trên địa bàn huyện Phú Tân.
Tuy nhiên, bên
cạnh đó cũng còn một số cán bộ quản lý và giáo viên ngành giáo dục chưa nhận
thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, do đó chưa thực sự
quan tâm chỉ đạo; chưa thực sự tâm huyết, đầu tư, nghiên cứu tìm hiểu, nắm vững
về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đưa vào giảng dạy; hình thức,
nội dung giảng dạy chưa phong phú, thiếu sinh động. Một số trường, một số giáo
viên mới chỉ thực hiện theo tài liệu, không có sự mở rộng, chất lượng, hiệu quả
chưa cao; số lượng
Bộ sách các trường tự trang bị còn rất ít so với số lượng học sinh, hầu hết chỉ
trang bị tại thư viện của trường cho giáo viên nghiên cứu và giảng dạy; tài
liệu, đồ dùng giảng dạy cho nội dung các bài đọc giáo viên cũng phải tự tìm
kiếm, sưu tầm; các môn học hiện nay tích hợp nhiều nội dung khác nhau nên thời
lượng để tích hợp tài liệu giáo dục về tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ vào những
bài học chưa thực sự sâu sắc và kỹ lưỡng; chưa phát huy được vai trò của gia
đình trong việc giáo dục và đạo đức cho học sinh; tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu
học chưa quan tâm nhiều đến việc tìm đọc các mẫu truyện về Bác; một số giáo
viên còn chưa có nhiều kỹ năng chọn lọc, tích hợp nội dung phù hợp vào bài học;
bộ sách được xuất bản và đưa vào dạy học từ năm học 2017-2018 theo Chương trình
giáo dục phổ thông 2006 (hiện nay đang triển khai Chương trình GDPT 2018);…
Tiếp tục khai thác và
sử dụng hiệu quả Bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho
học sinh” trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Để góp phần triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc tự giác, thường xuyên tại
các nhà trường; khai thác có hiệu quả Bộ sách “Bác Hồ và những bài học về
đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, trong thời gian tới, Phòng Giáo
dục và Đào tạo huyện Phú Tân sẽ tiếp tục nắm
vững và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo về việc đưa nội dung học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong hệ thống các
trường học. Hướng dẫn cụ thể việc tích hợp nội dung, hình thức, phương pháp,
dung lượng tích hợp để có sự thống nhất trong toàn tỉnh và đảm bảo phù hợp với
từng cấp học (phù hợp với từng đối tượng học sinh). Tiếp tục tập trung chỉ đạo,
hướng dẫn tổ chức giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp; khuyến
khích giáo viên, học sinh tích cực, tự giác tìm hiểu về Bác Hồ, về tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (tổ chức các cuộc thi, hội thi, lồng ghép trong
các hoạt động ngoại khóa sinh hoạt đoàn, đội, sinh hoạt lớp, lồng ghép trong
chào cờ đầu tuần....). Chỉ đạo Hội đồng chuyên môn cấp học tổ chức
nghiên cứu, xây dựng khung phân phối chương trình tích hợp Bộ sách vào từng nội
dung bài học, môn học, cấp học cụ thể. Trên cơ sở khung phân phối chương trình
gợi ý, các trường học chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên đề,
tham gia góp ý, xây dựng hoàn thiện nội dung cần tích hợp (Từ nội dung, hình
thức, phương pháp tổ chức,…); xây dựng kế hoạch tích hợp Bộ sách “Bác Hồ
và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” theo từng bộ
môn cụ thể, phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và điều kiện thực
tế của nhà trường. Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh vào giảng dạy trong các trường học; kịp thời phát hiện biểu dương,
khen thưởng, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, chấn chỉnh, phê
bình những trường học thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả để tránh việc
tổ chức hình thức...
Từ thực tiễn sử dụng Bộ sách “Bác Hồ
và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, các nhà
trường cần có kế hoạch cụ thể để triển khai giảng dạy với các biện pháp phù
hợp, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế
hoạch, giải pháp thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương học và
làm theo Bác của giáo viên từ lời nói và hành động để học sinh noi theo. Xây
dựng môi trường giáo dục vui vẻ, yêu thương, tạo cơ hội để học sinh được học đi
đôi với hành, tham gia các hoạt động trải nghiệm, các sân chơi phù hợp để các
bài học về Bác được thực hành, tạo thành thói quen tốt hàng ngày của học sinh.
Tổ chức đa dạng các cuộc thi: Thi kể chuyện về Bác Hồ, thi tìm hiểu về cuộc
đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với truyền thống
lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Phối hợp với cha mẹ học sinh trong
việc giáo dục định hướng cho các em hướng tới lối sống lành mạnh, tích cực; đẩy
mạnh tuyên truyền đến cả cha mẹ học sinh biết việc sử dụng bộ tài liệu
“Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” là cần
thiết và bổ ích.
Giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện… trong nhà trường rất
cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cả sau này. Do đó, việc tiếp tục giáo dục tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp
“trồng người”, là trách nhiệm của mỗi thầy giáo, cô giáo và của toàn ngành giáo
dục.
Trích nội dung số 5, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016
của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh”
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập-NXB Chính trị Quốc gia.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương (2017): Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – NXB Chính trị Quốc gia.
3. TS.Nguyễn Trọng Hoàn (2018): Tích hợp tư tưởng Hồ Chí Minh trong các môn học, hoạt động giáo dục ở trường phổ thông - https://moet.gov.vn/giaoducquocdan
4. Nghiêm Đình Vỳ (2015): Tích hợp tư tưởng Hồ Chí Minh trong giảng dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông NXB Chính trị Quốc gia.